Thi Đại Học Chọn Tổ Hợp Môn Tự Nhiên Hay Xã Hội?

Tuyển sinh 2018: Cân nhắc lựa chọn tổ hợp xét tuyển.

 

Trước mùa tuyển sinh 2018, thí sinh như lạc vào 'ma trận' tổ hợp xét tuyển của các trường đại học nên rất lúng túng cho việc lựa chọn. Về điều này, GS TSKH Nguyễn Đình Đức- trưởng ban Đào tạo (Đại học và sau đại học) của ĐHQGHN chia sẻ, việc xét tuyển (theo phương thức mới hay cũ) không quan trọng bằng việc xem xét năng lực và kiến thức của mình có phù hợp với ngành học hay không.

 

Trước thềm mùa thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018, khảo sát tại các trường học ở thành phố lớn cũng cho thấy, xu hướng chọn tổ hợp khoa học xã hội ngày càng cao.

 

Theo phân tích từ các chuyên gia, một phần bởi môn sử, địa đã được thi bằng hình thức trắc nghiệm, ngoại trừ môn Văn thi theo hình thức tự luận.

 

 

 

Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2017- Học viện Tài chính.

 

Tìm hiểu kỹ về thông tin tuyển sinh.

 

Tại Hà Nội, lãnh đạo một số trường cho biết, học sinh trường mình hiện có xu hướng chọn bài thi xã hội nhiều hơn so với năm ngoái. Nhiều bậc phụ huynh có con thi tốt nghiệp THPT năm 2018 cũng cho hay, họ ủng hộ lựa chọn bài thi khoa học xã hội của con em mình, bởi điều này liên quan tới kết quả xét tuyển vào các trường ĐH,CĐ.

 

Trước đó, tại kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2017 có điểm mới nổi bật trong là thay đổi hình thức thi, từ bài thi độc lập chuyển sang làm bài thi tổ hợp, từ tự luận chuyển sang dạng trắc nghiệm, ngoại trừ bài thi môn Ngữ văn vẫn theo hình thức tự luận.

 

Đề thi bao gồm 5 bài thi, trong đó có 3 bài thi bắt buộc là Ngữ văn, Toán và Ngoại ngữ, 2 bài thi tự chọn là Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội, gồm tổ hợp 3 môn thi độc lập ứng với mỗi bài tổ hợp.

 

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 đã chứng kiến số lượng học sinh lựa chọn bài thi Lịch sử trong tổ hợp bài thi Khoa học xã hội còn cao hơn cả Toán học. Điều này khác biệt với mọi năm. Nguyên nhân, theo một số chuyên gia giáo dục, lựa chọn này giúp các em dễ lấy điểm hơn.

 

Cụ thể, với bài thi môn khoa học xã hội, học sinh có thể gặp khó khăn ở môn Lịch sử nhưng với môn Địa và Giáo dục công dân, các em có nhiều cơ hội lấy điểm cao hơn. Môn Địa được sử dụng Atlat, còn giáo dục công dân có những kiến thức gần với thực tế nên HS không cần học thuộc lòng nhiều…

 

Theo lãnh đạo một số trường THPT, việc khảo sát ban đầu thường chính xác đến trên 90% vì học sinh có sự lựa chọn sớm nhằm ổn định quá trình học và ôn luyện.

 

Phân tích từ các chuyên gia cho thây, sở dĩ xu hướng thí sinh chọn bài thi xã hội nhiều hơn xuất phát từ việc điều chỉnh, thay đổi cách thức thi, môn thi, bài thi (theo hình thức trắc nghiệm) đã có tác động tích cực tới sự chọn lựa của học sinh.

 

Cùng với quy định theo hướng có lợi cho thí sinh, em nào chọn cả 2 bài thi và dùng bài thi có kết quả cao nhất để xét tốt nghiệp (kể cả xét tuyển sinh ĐH).

 

Dẫu thế, trước thềm mùa tuyển sinh 2018, thí sinh như lạc vào “ma trận” tổ hợp xét tuyển của các trường đại học nên rất lúng túng cho việc lựa chọn.

 

Về điều này, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức- trưởng ban Đào tạo (Đại học và sau đại học) của ĐHQGHN chia sẻ, việc xét tuyển (theo phương thức mới hay cũ) cũng không quan trọng bằng việc xem xét năng lực và kiến thức của mình có phù hợp với ngành học hay không. Nếu chọn ngành toán hoặc CNTT mà chọn tổ hợp Văn, Sử, Địa, là không phù hợp.

 

Nhưng nếu thí sinh chọn ngành báo chí chẳng hạn, trước kia chọn khối C (Văn, Sử, Địa) mà nay lại chọn tổ hợp Toán, Văn, Ngoại ngữ, “lạ” so với truyền thống, nhưng lại rất phù hợp.

 

Chính vì vậy, GS Nguyễn Đình Đức khuyên các thí sinh nên nghiên cứu kỹ thông tin tuyển sinh của các trường ĐH,CĐ, tương ứng; tìm hiểu kỹ các chương trình đào tạo mà các em muốn theo học, xem mình có phù hợp không để cân nhắc lựa chọn tổ hợp xét tuyển cũng như lựa chọn ngành nghề cho phù hợp.

 

Phải làm cả hai bài tổ hợp thi THPT quốc gia nếu đã đăng ký.

 

Theo Quy chế thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018 và xét công nhận tốt nghiệp THPT năm 2018, do Bộ GDĐT vừa ban hành, các thí sinh cần lưu ý đặc biệt về quy định về các bài thi và hình thức thi. Theo đó, nếu thí sinh đăng ký dự thi cả 5 bài, thì không được bỏ bất kỳ bài nào nếu muốn xét tốt nghiệp.

 

Cũng giống như năm 2017, kỳ thi THPT quốc gia 2018 có 5 bài thi, gồm 3 bài độc lập là: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 bài tổ hợp là Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học), Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình giáo dục THPT; tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý đối với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT. Bài Ngữ văn thi tự luận, các bài còn lại thi trắc nghiệm.

 

Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh học chương trình giáo dục THPT phải dự thi 4 bài gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài do thí sinh tự chọn trong số 2 bài tổ hợp.

 

Thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên phải dự thi 3 bài gồm Toán, Ngữ văn và một bài tổ hợp tự chọn.

 

Thí sinh được đăng ký chọn dự thi cả hai bài tổ hợp, điểm bài nào cao hơn sẽ được chọn để xét công nhận tốt nghiệp THPT.

 

                  

 

Tuy nhiên, khi đã đăng ký thi cả tổ hợp Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội, thí sinh bắt buộc làm cả hai bài này. Thí sinh bỏ một trong 2 bài sẽ bị coi là dự thi không đủ số bài và không được xét công nhận tốt nghiệp THPT.

 

Cùng với đó, chia sẻ về tiêu chí xác định các tổ hợp xét tuyển của các trường ĐH, GS Nguyễn Đình Đức cho hay, hiện ĐHQGHN và các trường đại học thành viên trong ĐHQGHN đã chủ động xây dựng đề án tuyển sinh riêng của từng trường trình Bộ GDĐT.

 

Với đặc thù các trường trong ĐHQGHN có nhiều ngành đào tạo khoa học cơ bản, vì thế các trường ngoài chọn các tổ hợp truyền thống còn tập trung, mở rộng vào các tổ hợp khối thi theo lĩnh vực Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội, Toán, Ngoại ngữ,… theo nguyên tắc và mục tiêu cao nhất là tuyển được thí sinh đảm bảo các điều kiện chất lượng đầu vào, phù hợp với các ngành đào tạo trong ĐHQGHN.

 

Tùy theo từng lĩnh vực Khoa học tự nhiên hay XHNV, Kinh tế - Luật, Ngoại ngữ,… sẽ có những tổ hợp xét tuyển khác nhau, nhưng tổ hợp xét tuyển phải có một môn chính (Toán, Văn hoặc Ngoại ngữ).

 

Môn xét tuyển phải phù hợp với ngành/nhóm ngành xét tuyển. Không thể dùng tổ hợp 3 môn xã hội như Văn, Sử, Địa để xét tuyển vào các ngành tự nhiên/kỹ thuật/kinh tế - những ngành đòi hỏi thí sinh phải có kiển thức cơ bản về KHTN, hoặc với các ngành hóa, y đa khoa, dược nhất thiết trong tổ hợp phải có môn Hóa hoặc Sinh.

 

Bài viết liên quan